Mô Hình Trồng Dâu Tây Trên Giàn ( Trong Nhà Kính)

Dâu nhà kính

Chọn giống

Giống Dâu tây chọn trồng trong nhà kính theo phương pháp thủy canh nên chọn giống có khả năng tự thụ phấn cao và kháng được 1 số bệnh thường gặp trên Dâu tây như bệnh phấn trắng,… Hiện tại giống trồng phổ biến nhất trong nhà kính ở Đà Lạt là giống Dâu tây New Zealand. Giống New Zealand là giống trung tính, quá trình ra hoa không phụ thuộc và độ dài của thời gian chiếu sáng. Kích thước và khối lượng quả lớn. Trung bình mỗi quả có trọng lượng từ 20 – 40 g/trái. Trái dài, màu đỏ và có vị ngọt nên rất phù hợp thị yếu của người tiêu dùng.

Chuẩn bị nhà kính

Nhà lưới được quét dọn sạch nền, xử lý vôi bột khử trùng, quạt gió để thông thoáng khí. Đường ống dẫn nước tưới và phân bón cũng được làm sạch, các vòi phun được kiểm tra, không bị nghẹt.

Dùng thêm 1 kg Clorin pha với 50 lít nước phun khắp trong nhà trồng, để sát khuẩn trước khi trồng 3 – 5 ngày. Ở xung quanh bên ngoài nhà lưới: phun Aldrin để trừ kiến và côn trùng.

Chuẩn bị giá thể

Xơ dừa đã được xử lý tiệt trùng, sạch sâu bệnh, khử chát, trộn chung một ít vôi bột.

Chuẩn bị cây giống

Cây giống trồng trong nhà kính có thể là cây mô hoặc cây ngó. Tuy nhiên, việc trồng ngó thuận lợi hơn nhiều, vì ngó sinh trưởng nhanh hơn. Thời gian ra hoa từ 1 – 1,5 tháng sau khi trồng. Trong khi đó cây mô phải mất từ 2 – 2,5 tháng mới ra hoa. Ngó được ươm trong ly nhỏ, khi ngó cao khoảng 15 – 20 cm sẽ tiến hành trồng trong các túi.

Túi có kích thước 80 x 25 x 15 cm. Trên mỗi túi được đục 6 lỗ song song hoặc theo hình zigzag

Trồng cây

Trồng cây vào trong túi giá thể: khoảng 3 tuần sau khi cho vào ly, các ngó có khoảng 3 – 4 lá thật (cao 15 – 20 cm), chọn ngó khỏe, mập, rễ dài tiến hành chuyển vào túi trồng. Việc trồng cây phải tiến hành trong vòng 1 – 2 ngày để đảm bảo cây khỏe, tỷ lệ sống cao, cây có kích thước đồng đều.

Trước khi trồng 1 ngày phun thuốc Ridomil và thuốc trừ sâu để ngăn nấm bệnh và côn trùng khi chuyển từ vườn ươm sang nhà kính trồng cây.

Chăm sóc

Giai đoạn đầu phải ngắt chùm hoa bói đầu tiên để tăng cường sự sinh trưởng và ức chế phát dục. Quá trình phát triển cần tỉa những lá già, sâu bệnh và bị che khuất bởi tầng dưới, các bộ phận của cây sau khi cắt tỉa cần phải tiêu hủy ở xa ruộng. Đến giai đoạn thu hoạch cần phải cân đối giữa khả năng phát triển khung tán và số lượng hoa trên cây, tỉa bớt những nụ hoa, trái dị dạng và sâu bệnh.

Tưới nước và bón phân

Dâu tây là cây sinh trưởng nhanh nên lượng phân bón bổ sung cần rất nhiều. Tuy nhiên, trong mô hình này phân bón sử dụng là phân hóa học được hòa tan chung với nước và tưới theo phương pháp nhỏ giọt.

Cách bón

Trong tuần lễ đầu khi trồng mỗi ngày tưới lên 1 gốc cây trung bình khoảng 100 ml với EC = 1 và pH = 6. Tưới làm 2 lần trong ngày.

Tuần thứ 2 trở đi tưới tăng dần đến 200 ml/gốc và số lần tưới tăng lên khoảng 2 lần trong một ngày với EC = 1,4 và pH = 6.

Một số hiện tượng khi thiếu hụt chất dinh dưỡng

Nitơ: lá chuyển sang màu vàng đến đỏ, xuất hiện dầu từ lá già đến là non, rễ và ngó rất nhỏ và mỏng. Hoa và trái rất nhỏ.

Sulphur: lá non sẽ ngã sang màu vàng hoàn toàn và kích thước lá hầu như không được đồng đều. Tuy nhiên, dấu hiệu không rõ ràng trong quá trình hình thành hoa và quả.

Phospho: gân lá già trở nên xanh đậm hơn, thậm chí, còn lan rộng là toàn bộ mặt lá. Thiếu phospho có thể là giảm sinh trưởng và phát triển của cây Dâu.

Kali: lá có biểu hiện hơi nâu và bị khô ngay tại mép lá. Rễ và ngó có kích thước giảm và trái mềm không có mùi thơm.

Magiê: gân lá hơi đỏ ngay giữa tán lá. Kích thước của hoa và quả không bị ảnh hưởng của việc thiếu hụt magiê nhưng quả thường mềm và màu sắc nhạt hơn.

Canxi: đầu mút của lá thường bị cháy và tạo nhiều vết gấp khi lá mở rộng. Rễ và ngó có kích thước giảm, kích thước trái nhỏ, chua. Canxi đóng vai trò quan trọng không những trong quá trình sinh trưởng của cây mà còn trong quá trình sau thu hoạch, duy trì sự sáng bóng của trái.

Bo: là một chất quan trọng khi trồng Dâu tây, giữ vai trò trong quá trình thụ phấn và hình thành hình dạng và kích thước. Cây thiếu bo thường có biểu hiện chậm phát triển, lá bị gấp lại, đôi khi cũng thấy hiện tượng cháy đầu mút lá. Trái thường dị dạng khi thiếu bo.

Sắt: khi thiếu sắt, lá non thường bị vàng trong khi đó gân lá có màu xanh nhạt. Rễ và ngó phát triển chậm lại.

Mangan: thiếu mangan thường có hiện tượng úa vàng ở những tán lá non. Kích thước trái giảm và có màu sắc nhạt.

Đồng: hiện tượng thiếu đồng ít ảnh hưởng và biểu hiện rõ ràng ở cây Dâu tây.

Kẽm: tán lá thường có triệu chứng úa vàng và giảm kích thước lá non khi thiếu kẽm.

Thụ phấn

Dâu tây là cây tự thụ phấn, tuy nhiên, việc thụ phấn không đều dễ dẫn đến trái Dâu tây dị dạng. Ngoài đồng ruộng việc thụ phấn phải nhờ gió hoặc côn trùng. Khi quy hoạch vùng trồng dâu tập trung, 1 ha Dâu nên nuôi 2 thùng ong mật để nâng cao tỷ lệ thụ phấn của hoa, đồng thời giảm bớt tỷ lệ trái dị dạng. Khi cây bắt đầu ra bông, vì trong điều kiện nhà lưới không có nhiều gió như ngoài tự nhiên, đồng ruộng và do mô hình thực hiện của dự án nhỏ chỉ 200 m2 nên việc thụ phấn đa phần thực hiện bằng tay. Công việc này được thực hiện liên tục từ thời điểm khi Dâu tây bắt đầu ra bông mỗi ngày.

Facebook
LinkedIn
Pinterest
Công ty TNHH Thương Mại Dịch vụ Farmy

Công ty TNHH Thương Mại Dịch vụ Farmy

Đơn vị cung cấp các giống cây trồng số 1 tại Việt Nam - Phân phối dịch vụ nông nghiệp

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.